Bộ lưu điện máy tính là gì? Vì sao cần sử dụng bộ lưu điện cho máy tính?
Bộ lưu điện máy tính ngày càng được sử dụng rộng rãi cả ở gia đình hay các văn phòng, công ty. Vậy khái niệm bộ lưu điện máy tính là gì? Vì sao cần sử dụng thiết bị này cho máy tính của bạn? Giữa thị trường nhiều UPS như hiện nay thì chọn bộ lưu điện như thế nào tốt nhất? VTech sẽ giải đáp những thắc mắc này trong bài viết dưới đây
Tóm tắt nội dung
1/ Bộ lưu điện máy tính là gì?
Bộ lưu điện UPS máy tính là thiết bị có khả năng lưu trữ điện năng dự phòng duy trì hoạt động của máy tính khi lưới điện gặp sự cố. Vì thế UPS giúp bảo vệ các bộ phận bên trong máy tính, nâng cao hiệu suất và tuổi thọ cho máy.
Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của bộ lưu điện máy tính nhìn chung giống với bộ lưu điện thông thường. Tuy nhiên UPS máy tính thường có công suất nhỏ hoặc trung bình, thiết kế nhỏ gọn phù hợp đặt bên cạnh hoặc khu vực bàn làm việc gần máy tính.
Trên thị trường hiện nay có nhiều loại UPS nhưng được chia thành 3 dòng chính theo công nghệ lưu điện là UPS Offline,
UPS Online và UPS công nghệ Line – Interactive. Máy tính có thể dùng bất cứ dòng bộ lưu điện nào, mỗi loại đều có ưu nhược điểm riêng. Tuy nhiên UPS Online vẫn được đánh giá có độ tin cậy, nhiều tính năng an toàn nhất giúp bảo vệ toàn diện cho hệ thống máy tính.
2/ Vì sao cần sử dụng bộ lưu điện máy tính?
Vì sao cần sử dụng bộ lưu điện UPS cho máy tính để bàn? Có 3 lý do chính cụ thể như sau:
2.1/ UPS giúp tăng tuổi thọ cho máy tính, hạn chế hư hỏng do sự cố điện
Máy tính là thiết bị làm việc không thể thiếu trong thời đại công nghệ và Internet phát triển như hiện nay. Máy tính gồm nhiều bộ phận như cây PC, màn hình, chuột, bàn phím,… đều phải được cung cấp dòng điện để hoạt động. Máy tính Laptop có pin dự phòng có thể duy trì hoạt động khi có sự cố lưới điện, còn máy tính thông thường thì không như vậy. Khi xảy ra sự cố mất điện, nháy điện kể cả trong thời gian rất ngắn thì máy tính đều bị ngắt đột ngột.
Việc này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của máy tính. Tắt đột ngột do mất điện sẽ khiến các bộ phận của máy rất dễ hư hỏng. Dù xảy ra lỗi kỹ thuật hay hệ thống máy thì việc bảo dưỡng, sửa chữa gây tốn kém không ít chi phí. Đặc biệt với các văn phòng làm việc có nhiều máy tính thì tình trạng mất điện đột ngột là nỗi “ám ảnh”.
2.2/ Bộ lưu điện PC giúp ngăn ngừa tình trạng mất dữ liệu quan trọng khi có sự cố lưới điện
Ngoài ra tình trạng tắt đột ngột này sẽ khiến cho toàn bộ dữ liệu, các công việc bạn đang xử lý với máy tính bị mất hoàn toàn. Công sức làm việc cả ngày của nhân viên có thể biến mất trong chốc lát. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất làm việc chung.
Để hạn chế những rủi ro trên thì việc sử dụng bộ lưu điện bảo vệ máy tính trước sự cố điện lưới là rất quan trọng. UPS sẽ lập tức cấp nguồn điện từ ắc quy thay thế cho điện lưới khi có sự cố, giúp duy trì hoạt động của máy tính. Thời gian lưu điện sẽ tùy vào dung lượng ắc quy và công suất tải của máy tính nhưng đủ để sao lưu dữ liệu và tắt thiết bị đúng cách.
2.3/ Bộ lưu điện UPS cho PC giúp “làm sạch” dòng điện, bảo vệ máy tính
Ngoài khả năng lưu trữ điện dự phòng thì bộ lưu điện dùng cho máy tính hiện đại còn có nhiều chức năng “làm sạch” dòng điện. Ví dụ như tính năng ổn tần, ổn áp, chống xung, lọc nhiễu,… Từ đó giúp máy tính hoạt động an toàn, hiệu quả và bền bỉ hơn.
3/ Cách chọn bộ lưu điện phù hợp cho máy tính
Trên thị trường có rất nhiều loại UPS nói chung và bộ lưu điện UPS máy tính nói riêng. Tuy nhiên để chọn thiết bị phù hợp cho máy tính của bạn thì không phải dễ. Để đảm bảo UPS hoạt động hiệu quả, an toàn với chi phí phù hợp, cách chọn bộ lưu điện cho máy tính hãy lưu ý 3 tiêu chí sau:
3.1/ Chọn công suất phù hợp
Công suất của UPS phải phù hợp với công suất của máy tính để bàn của bạn. Ít nhất phải chọn những bộ lưu điện có công suất bằng công suất của máy tính, tốt nhất là lớn hơn từ 1.5 – 2 lần. Việc này sẽ đảm bảo UPS có khả năng cấp nguồn điện đủ đáp ứng cho hoạt động của máy tính khi có sự cố lưới điện.
Thông thường bộ máy tính để bàn sẽ có công suất từ 200 – 300W. Bạn có thể kiểm tra cụ thể công suất máy ghi ở phía sau thiết bị, đơn vị tính thường là W. Nếu không tìm được thông tin công suất trên máy tính thì bạn kiểm tra bằng các cách sau:
3.1.1/ Quy đổi công suất khi có thông tin về điện áp và cường độ dòng điện vào máy
Công thức quy đổi: W = V x A. Trong đó:
- W là công suất của máy tính (đơn vị W).
- V là điện áp đầu vào của máy tính (đơn vị là V).
- A là cường độ dòng điện vào của máy tính (đơn vị A).
3.1.2/ Kiểm tra thông tin máy tính trên mạng
Bạn chỉ cần nhập thông tin, nhà sản xuất, series của máy tính để tìm kiếm trên mạng sẽ dễ dàng thấy thông số kỹ thuật cụ thể. Nếu không tìm thấy thông tin công suất thì thường sẽ có thông tin về điện áp và cường độ dòng điện vào, bạn dựa vào công thức trên để quy đổi công suất.
3.1.3/ Liên hệ với nhà cung cấp
Cách cuối cùng là liên hệ với cửa hàng mua hoặc nhà cung cấp máy tính, bạn sẽ biết được chính xác công suất của thiết bị.
3.2/ Chọn công nghệ UPS Online hay UPS Offline
Bộ lưu điện máy tính hiện nay phổ biến nhất là công nghệ Offline và Online. Việc lựa chọn loại UPS nào sẽ tùy theo mục đích sử dụng, nhu cầu và khả năng tài chính của bạn.
3.2.1/ Chọn UPS Offline: máy tính ở nhà, máy tính văn phòng làm việc đơn giản
UPS Offline là thiết bị lưu điện công nghệ cũ, giá thành khá rẻ và dễ dàng tìm mua trên thị trường. Tuy nhiên bộ lưu điện Offline chỉ có tính năng cơ bản là lưu trữ điện năng duy trì hoạt động của máy tính khi gặp sự cố. Thiết bị không có các tính năng an toàn nâng cao khác giúp bảo vệ máy tính khỏi các vấn đề dòng điện khác.
Ngoài ra thì thời gian chuyển mạch của thiết bị này khá ngắn nên phù hợp với các máy tính không quá nhạy với nguồn điện. Nhìn chung UPS Offline là lựa chọn phù hợp với nhu cầu sử dụng máy tính tại nhà, máy tính văn phòng, công ty,… làm việc đơn giản.
3.2.2/ Chọn UPS Online: máy chủ, máy tính lưu trữ dữ liệu quan trọng.
UPS Online là thiết bị lưu điện công nghệ mới nhất hiện nay, giá thành thường cao hơn nhiều lần so với UPS Offline. Thiết bị này có nhiều tính năng bảo vệ máy tính như: lưu trữ điện, ổn áp, lọc nhiễu, ổn tần, chống sét,… Nhờ vậy máy tính sẽ được bảo vệ toàn diện khỏi các vấn đề điện lưới thay vì chỉ sự cố mất điện thông thường.
Thời gian chuyển mạch của UPS Online rất ngắn, sấp sỉ bằng 0ms. Điều này nghĩa là máy tính gần như được cấp điện ngay lập tức khi gặp tình trạng nháy điện, mất điện. Với những đặc điểm trên, UPS Online phù hợp dùng để bảo vệ các máy tính quan trọng như máy chủ, máy quản lý hệ thống, máy an ninh,…
3.3/ Cân nhắc thời gian lưu điện
Yếu tố thứ 3 cần cân nhắc trước khi mua UPS là bộ lưu điện máy tính được bao lâu? Trước hết cần hiểu rằng UPS chỉ có khả năng lưu trữ lượng điện năng nhất định, đủ cung cấp cho máy tính thời gian ngắn. Khoảng thời gian này phải đủ để sao lưu dữ liệu, hoàn tất các tác vụ và tắt thiết bị đúng cách.
Bạn không thể yêu cầu thời gian lưu điện của UPS dài để làm việc giống như nguồn phụ hay máy phát điện được. Cần xác định thời gian lưu điện mong muốn với hệ thống máy tính khi có sự cố lưới điện là bao nhiêu để chọn UPS phù hợp.
Thông thường với 1 bộ máy tính để bàn hiện nay, UPS công suất 500 VA sẽ đảm bảo thời gian lưu điện từ 5 – 10 phút. Thời gian này đủ để lưu dữ liệu và tắt máy tính đúng cách. Nếu bạn sử dụng hệ thống nhiều máy tính thì sẽ cần bộ lưu điện công suất lớn hơn, thời gian lưu điện lâu hơn.
4/ Những lưu ý khi lắp đặt bộ lưu điện máy tính để bàn
Bộ lưu điện cho máy vi tính được lắp đặt đúng cách sẽ giúp thiết bị hoạt động ổn định, tuổi thọ dài và hiệu quả hơn. Ngoài ra người dùng cũng có thể tiết kiệm được chi phí bảo trì, bảo dưỡng do thiết bị vận hành ổn định ít hỏng hóc.
Sau khi mua bộ lưu điện cho PC và vận chuyển về nhà, thiết bị rất dễ bị va đập, trầy xước ảnh hưởng đến các linh kiện bộ phận bên trong. Do vậy cần lưu ý kiểm tra cẩn thận trước khi lắp đặt, đảm bảo không có linh kiện nào của UPS bị rời, rụng hoặc lung lay. Khi đã kiểm tra thiết bị mới không có vấn đề gì, tháo bỏ toàn bộ lớp bảo vệ và đặt UPS vào vị trí phù hợp.
Vị trí lắp đặt bộ lưu điện UPS máy tính cần lưu ý các vấn đề sau:
- Vị trí thông thoáng, không có ánh nắng mặt trời chiếu vào trực tiếp (cả vào buổi sáng và buổi chiều).
- Vị trí không gần các thiết bị điện tỏa nhiệt khác, khoảng cách tối thiểu là 45 cm.
- Vị trí không gần các vật dễ cháy nổ, các chất hóa học, chất ăn mòn,…
- Tránh những nơi ẩm thấp, dễ bị ngập lụt hoặc đọng nước khi trời mưa.
- Đặt UPS ở gần các ổ cắm điện để tháo lắp, bật tắt và sử dụng dễ dàng.
- Đảm bảo môi trường làm việc của bộ lưu điện có nhiệt độ ổn định, dưới 40 độ C. UPS sẽ làm việc hiệu quả và đạt tuổi thọ cao nhất khi làm việc trong môi trường điều hòa nhiệt độ ổn định từ 20 – 25 độ C.
- UPS không bị che chắn bởi các tấm nilon, vải hoặc bất cứ vật dụng gì.
Bộ lưu điện cho máy tính để bàn thường có kích thước khá nhỏ, dễ dàng đặt ở gầm bàn hoặc ngay bên cạnh PC, màn hình. Tuy nhiên cần lưu ý tránh để quá sát PC hay quá nhiều vật dụng xung quanh, cần đảm bảo đủ không gian để thiết bị tản nhiệt.
Trên đây VTech đã cùng bạn đọc tìm hiểu bộ lưu điện máy tính là gì và cách chọn UPS phù hợp tiết kiệm chi phí. VTech chuyên cung cấp UPS chính hãng và giải pháp an toàn cho hệ thống điện, nếu cần tư vấn thêm hãy liên hệ với chúng tôi nhé.
>>> Tham khảo thêm: Top 5 thương hiệu bộ lưu điện UPS tốt nhất hiện nay